Đăng ký tư vấn
& Nhận báo giá





Không

[/col]

 

QUẢNG NINH – VÌ MỘT TUYẾN CAO TỐC DÀI NHẤT VIỆT NAM

Tháng 8-2018, tuyến cao tốc 25km nối Hạ Long với Hải Phòng chính thức đi vào sử dụng, rút ngắn quãng đường và thời gian đi lại giữa 2 địa phương này. Tiếp đó, tháng 12-2018, tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn dài trên 60km cũng chính thức hoàn thành…

Và hiện nay, Quảng Ninh đang dồn toàn lực để phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành trên 80km cao tốc nối Vân Đồn với thành phố biên giới Móng Cái.

Khi đó, Quảng Ninh sẽ có tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài gần 200 km, và sẽ là tỉnh có tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam (bằng 1/10 tổng số đường cao tốc toàn Việt Nam).

Với gần 100 km cao tốc hiện có, việc đi lại tới Vân Đồn, với Hạ Long đã được rút ngắn một nửa thời gian so với trước đây. Chỉ mất hơn 2 tiếng đồng hồ để từ Hà Nội đi thành phố biển Hạ Long, và từ Hạ Long đi tiếp đến Khu kinh tế Vân Đồn cũng chỉ mất thêm hơn một tiếng đồng hồ nữa.

Và khi tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được hoàn thành thì mọi người có thể dễ dàng ăn sáng ở Hà Nội và buổi trưa ngắm biển Trà Cổ hoặc lang thang mua sắm ở các trung tâm thương mại nơi cửa khẩu Móng Cái…

Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Quảng Ninh vừa triển khai chiến dịch “30 ngày đêm” hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Điều đáng ngạc nhiên là với sự vào cuộc quyết liệt của cả bộ máy chính trị và sự ủng hộ của người dân, chỉ sau 15 ngày toàn bộ mặt bằng dự án đã được bàn giao cho nhà thầu thi công.

Giám đốc Sở GT-VT Quảng Ninh Hoàng Quang Hải cho biết ngay sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng trước hạn 15 ngày, Tỉnh ủy Quảng Ninh tiếp tục phát động chiến dịch 500 ngày đêm thi công để phấn đấu tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ được hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2021.

“Tuyến đường sẽ hình thành trục cao tốc xương sống kết nối Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, dài gần 200 km, chạy dọc tỉnh Quảng Ninh, kết nối các trung tâm kinh tế Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái và hàng chục khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh trong tương lai.

Đến lúc đó, Quảng Ninh sẽ là tỉnh có tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, gần bằng 1/10 tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước…”.

Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài hơn 80km, điểm đầu tuyến ngay sát sân bay Vân Đồn, huyện Vân Đồn và điểm cuối là cầu Bắc Luân 2, gần sát cửa khẩu Bắc Luân, TPMóng Cái.

Tháng 4-2019, dự án được khởi công. Trước đó, nhà thầu đã trình phương án vay vốn nước ngoài (Trung Quốc) trên 7.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều tính toán, cân nhắc, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định không đi vay tiền nước ngoài để làm đường cao tốc này.

Không vay tiền nước ngoài nên các nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Bên cạnh đó, việc thay đổi cơ chế chính sách với BOT, đặc biệt là cơ chế lãi vay làm thay đổi hiệu quả kinh tế dự án. Doanh thu thực tế đoạn cao tốc Hạ Long – Vân Đồn đã đưa vào khai thác thấp hơn kỳ vọng ban đầu, nhà đầu tư gặp khó khăn. Những lý do này khiến dự án thời gian đầu rất ì ạch, mới chỉ xong phần giải phóng mặt bằng.

Đến tháng 6-2020, Thủ tướng đã đồng ý với tỉnh Quảng Ninh khi cho phép tỉnh này điều chỉnh dự án, chia đoạn tuyến cao tốc này thành 2 dự án đầu tư độc lập với vận tốc thiết kế từ 100 km/h được nâng lên 120 km/h.

Trong đó, dự án đoạn Vân Đồn – Tiên Yên dài 16,8km đầu tư bằng ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư 3.667 tỉ đồng. Dự án BOT Tiên Yên – Móng Cái dài 63,26 km có tổng vốn đầu tư khoảng 9.032 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 610 tỉ đồng, vốn huy động tư nhân 8.422 tỉ đồng. Tổng vốn cho 2 dự án này gần 13.000 tỉ đồng.

Cửa khẩu Bắc Luân 2 sẽ sôi động hơn khi thông tuyến cao tốc vào cuối năm 2021

Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 5.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trục xương sống cao tốc này, ngày 15-7-2020, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã lập Ban chỉ đạo và phát động chiến dịch 30 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sau điều chỉnh. Tỉnh lập 5 tổ công tác xuống làm việc với 5 huyện, thành phố  các địa phương để thống nhất về phương pháp, tiến độ triển khai, “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” vận động, tuyên truyền các hộ dân, tổ chức bàn giao mặt bằng dự án.

Đại diện Ban chỉ đạo chiến dịch “30 ngày đêm” cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tỉnh Quảng Ninh cho biết sau điều chỉnh tốc độ thiết kế lên 120 km/giờ, tổng diện tích đất xây dựng cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tăng thêm 187,12 ha, lên khoảng 666,89 ha. Với sự chỉ đạo quyết liệt của cả bộ máy, tất cả gần 1.200 hộ dân trong phạm vi dự án đã tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng (hoàn thành sớm 15 ngày).

Mặt bằng dự án

Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 7.

Tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hoàn thành sẽ thông tuyến cao tốc từ Hải Phòng đi Móng Cái dài gần 200 km và sẽ mở ra cơ hội hợp tác, giao thương giữa tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giữa các tỉnh trong nước, các nước ASEAN với Trung Quốc thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Vân Đồn đến Móng Cái từ hơn 2 giờ xuống còn gần 1 giờ. Vì thế, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được ví là mảnh ghép cuối cùng của tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái.

“Cuối năm 2021, khi xong toàn tuyến cao tốc thì có thể sáng uống cà phê ở Hà Nội, trưa có thể vắt vẻo ngồi bờ biển Trà Cổ (TP Móng Cái) ăn trưa, ngắm biển”, một đồng nghiệp ở Trung tâm truyền thông Quảng Ninh háo hức.

Theo ông Hoàng Quang Hải – giám đốc Sở GT-VT Quảng Ninh, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn sân bay quốc tế Vân Đồn, tăng kết nối giữa khu kinh tế Vân Đồn với bên ngoài, góp phần xây dựng Vân Đồn thành khu kinh tế ven biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển – đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp, là cửa ngõ giao thương quốc tế của Quảng Ninh.

Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 8.

Lý giải về việc điều chỉnh nâng vận tốc thiết kế cao tốc Vân Đồn – Móng Cái từ 100 km/h lên 120 km/h, ông Nguyễn Văn Chinh – phó phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GTVT Quảng Ninh – cho biết việc điều chỉnh này nằm trong điều kiện kỹ thuật cho phép. Hơn nữa, việc tăng vận tốc thiết kế sẽ tăng khả năng khai thác, tăng hiệu quả kinh tế dự án. Đường kết nối phía thị trấn Đông Hưng (Trung Quốc) với cửa khẩu Móng Cái cũng có vận tốc thiết kế 120 km/h.

Việc hình thành trục cao tốc xương sống, theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Sở GT-VT, sẽ tạo ra chuỗi kết nối các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Quảng Ninh (KKT đầm nhà Mạc, KCN Việt Hưng, KCN Cái Lân, KCN Hải Yên, KCN Sông Khoai, KKT Vân Đồn, KKT Hải Hà, KKT cửa khẩu Móng Cái…).

Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Ninh sẽ đầu tư đường kết nối cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái với tất cả 4 KKT, 11 KCN trên địa bàn.

Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 9.
Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 10.

Gần 1.200 hộ dân của TP Móng Cái, các huyện Hải Hà, Đàm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn đã ký bàn giao toàn bộ hơn 600 ha đất cùng nhà cửa mà chưa hề nhận một đồng tiền đền bù, hỗ trợ nào.

Tất cả vì “ý Đảng” hợp “lòng dân”, tất cả chỉ mong muốn nhanh chóng có một tuyến cao tốc, tuyến đường giúp địa phương và người dân tiến lên giàu có…

Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 11.

Dẫn chúng tôi ra công trường, ông Đào Tiến Hùng – phó bí thư thường trực xã Dực Yên, huyện Đầm Hà – cho biết đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái chạy qua xã Dực Yên dài 5,6km, xã đã tiến hành thu hồi 16,57 ha đất ở, đất trồng rừng, trồng cây ăn quả và đất nuôi trồng thủy sản của 177 hộ dân để bàn giao cho đơn vị thi công. Tất cả người dân đều ủng hộ chủ trương thu hồi đất làm cao tốc vì họ tin tưởng vào chính sách đền bù của nhà nước.

“Trong số hơn một trăm hộ dân mất đất, có 9 hộ dân mất đất ở, trong đó 6 hộ mất nhà ở, 3 hộ mất một phần đất ở. Chính quyền xã đang tập trung lo đất tái định cư tại thôn Đồng Tâm, thôn Yên Sơn để các hộ dân sớm ổn định cuộc sống”, ông Hùng chia sẻ.

Đúng như lời ông Hùng giới thiệu, trên công trường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đoạn qua xã Dực Yên, dù chưa hết thời hạn giải phóng mặt bằng “30 ngày đêm” nhưng hàng chục chiếc xe tải, máy xúc, xe lu… của Công ty CP Tasco Trường Sơn đã ngày đêm thi công để đẩy nhanh tiến độ công trình.

Dù mất cả nhà, mất cửa hàng, cả khoảnh vườn mặt tiền Quốc lộ 18 để làm đường dẫn lên cao tốc Vân Đồn – Móng Cái nhưng bà Đinh Thị Phượng (73 tuổi, người thôn 2, xã Dực Yên) vẫn vui vẻ cho biết bà luôn ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước trong xây dựng đường cao tốc chạy qua xã.

Bà Phượng cho hay với số tiền đền bù 1,8 tỉ đồng và được cấp 2 lô đất tái định cư, bà và các con bà sẽ tạo lập lại cuộc sống ngay tại làng. Bà sẽ xây nhà mới và mở lại quán tạp hóa để bán gần nhà văn hóa trong thôn, dù khách không đông bằng mặt đường quốc lộ 18 nhưng nó vẫn là kế sinh nhai của bà, các con từ nhiều năm qua và trong thời gian tới.

Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 13.

Không chỉ tại xã Dực Yên, tại xã Tân Bình, cách trung tâm huyện Đầm Hà hàng chục cây số, 100% hộ dân mất đất đều sẵn sàng tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng cho dự án, dù họ chưa biết đơn giá đền bù, chưa nhận bất cứ một đồng tiền đền bù, hỗ trợ nào.

Vừa ký biên bản bàn giao 5,2 ha đất trồng cây ăn quả và đồi keo lấy gỗ cho chính quyền để phục vụ xây dựng cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, ông Đào Văn Thìn (thôn Tân Hà, xã Tân Bình) cho biết dù chưa nhận tiền đền bù đất nhưng gia đình ông và nhiều hộ dân khác trong thôn vẫn ký biên bản giao đất để sớm xây dựng cao tốc.

“Tiền đền bù không thấm vào đâu so với nguồn thu từ trồng các loại cây ăn quả năng suất cao như cam, mít, hồng, nhãn, hay trồng chè nhưng chúng tôi vẫn bàn giao đất để nhà nước làm cao tốc. Có cao tốc, buôn bán sẽ thuận tiện hơn, việc đi lại của chúng tôi sẽ thuận tiện, được rút ngắn, cuộc sống của người dân sẽ khá hơn. Đó là điều chắc chắn và chúng tôi tin tưởng vào chủ trương của tỉnh”, ông Thìn hào hứng.

Tương tự, các gia đình ông Phạm Sỹ Cừ, La Quý Nhân cùng thôn Tân Hà cũng cho biết dù chưa nhận tiền đền bù từ nhà nước nhưng họ đã bàn giao hàng chục hecta đất trồng rừng, trồng cây ăn quả để có mặt bằng xây dựng tuyến cao tốc huyết mạch của tỉnh Quảng Ninh.

Trên suốt chặng đường dọc theo các xã nơi tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đi qua, chúng tôi đều cảm nhận được cái hào sảng, chân tình và vì cái chung của người dân các huyện miền Đông, tỉnh Quảng Ninh.

Tại xã vùng biên giới Hải Xuân (TP Móng Cái), cách cầu Bắc Luân 2 vắt qua con sông biên giới Ka Long chừng 2 km, chúng tôi cũng chứng kiến không chỉ người dân mà cả các doanh nghiệp cũng đều sẵn sàng nhường đất làm đường cao tốc.

Ông Hoàng Văn Cung, người dân thôn 5, xã Hải Xuân chia sẻ lúc đầu nghe nói cao tốc chạy qua khu đất gia đình đang sinh sống cả gia đình và hàng xóm đều hoang mang vì không biết rời nhà đi đâu. Nhưng sau khi nghe cán bộ dân vận xã xuống tận nhà động viên, giải thích về chính sách đền bù, tái định cư cho các hộ dân mất đất ở thì cả gia đình đã yên tâm ký vào biên bản giao đất khi chưa biết giá đền bù đất là bao nhiêu.

Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 14.
Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 15.

Chiến dịch giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được rút ngắn một nửa, chỉ trong 15 ngày đã bàn giao mặt bằng để thi công.

Có được kết quả “thần tốc” này, lãnh đạo một số huyện, thành phố có tuyến cao tốc đi qua đều khẳng định niềm tin của người dân là yếu tố quyết định tới tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.

Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 16.

Bí thư Huyện ủy huyện Đầm Hà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết đây là công trình đầu tiên mà tỉnh chọn phương án giải phóng mặt bằng xong mới bàn giao quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Giai đoạn 1 đã giải phóng mặt bằng với quy mô thiết kế đường có vận tốc 100 km/h, giai đoạn 2, tỉnh nâng vận tốc thiết kế lên 120 km/h, nên các địa phương tiếp tục vận động người dân ký cam kết giao đất để mở rộng mặt bằng dự án.

Nhằm rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng toàn tuyến, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch “30 ngày đêm” tuyên truyền, vận động người dân bàn giao sớm mặt bằng cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.

Đây không phải là giải phóng mặt bằng mới, vì theo quy trình GPMB đất nông nghiệp phải mất 180 ngày. Vì thế, tỉnh khuyến khích tinh thần tự nguyện giao đất của người dân. Nếu làm theo quy định của Luật Đất đai sẽ mất nhiều thời gian hơn nên tỉnh chọn cách làm vận động nhân dân tự nguyện bàn giao đất.

Thực tế trong giai đoạn 1 huyện Đầm Hà đã vận động người dân bàn giao đất hiệu quả nên giai đoạn 2 người dân cũng sẵn sàng ủng hộ chính quyền. Có những gia đình vừa xây nhà xong vẫn sẵn sàng bàn giao mặt bằng dự án. Cuộc vận động bàn giao mặt bằng của huyện được người dân ủng hộ, có gia đình đã 5 lần xây nhà nhưng vẫn bàn giao nhà đất cho chính quyền giải tỏa để phục vụ thi công tuyến cao tốc.

Tỉnh Quảng Ninh có địa bàn trải dài, có biên giới cả trên đất liền, trên biển với Trung Quốc. Bài toán phát triển đồng đều đặt ra cho chính quyền tỉnh từ nhiều năm, muốn phát triển đồng đều các vùng thì hạ tầng kết nối rất quan trọng. Đặc biệt là vùng miền Đông của tỉnh, từ TP Hạ Long ra Móng Cái có địa hình đồi núi, kết hợp với biển, rất khó khăn cho giao thương, đi lại, nếu không phát triển hạ tầng sẽ không thể phát triển được. Tuyến cao tốc này sau khi hình thành sẽ kích thích giao thương hàng hóa, tạo cơ hội phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá biên giới.

Tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được kỳ vọng phá thế độc đạo Quốc lộ 18, tạo kết nối giữa khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái với sân bay quốc tế Vân Đồn, mở ra cơ hội phát triển cho cả vùng. Với quyết tâm phát triển tuyến cao tốc này, tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn việc sử dụng ngân sách để giải phóng mặt bằng dự án.

Lúc đầu Tỉnh ủy giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án trong 30 ngày, huyện rất lo vì công việc GPMB giai đoạn 1 mất rất nhiều thời gian. Đề đẩy nhanh tiến độ GPMB cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đoạn chạy qua địa bàn, huyện đã lập 2 tổ kiểm đếm, kiểm soát đất đai do chủ tịch và phó chủ tịch UBND huyện Đầm Hà trực tiếp xác nhận biên bản kiểm đếm đất đai người dân bàn giao. Từ đó tạo được niềm tin cho người dân, họ không phải lo lắng về sự sai lệch trong kiểm đếm đất đai.

Huyện Đầm Hà cũng giao cho các đoàn thể vận động từng hộ dân bàn giao đất. Trong đầu tư cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, chính quyền đã vay niềm tin của người dân để thực hiện dự án nhanh nhất, vì vậy các cấp lãnh đạo từ huyện đến tỉnh đều có trách nhiệm trả nợ niềm tin cho người dân.

Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 18.

Trong giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, chúng tôi quán triệt chủ trương lấy tuyên truyền, vận động để xây dựng lòng tin của người dân là chính. Việc thay đổi thiết kế làm phát sinh thêm diện tích phải giải phóng mặt bằng, trong khi TP Móng Cái hiện nay như một đại công trường, có rất nhiều nhà đầu tư tìm đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư. Có hàng loạt dự án quy mô hàng ngàn ha được nhà đầu tư đề xuất, có nhiều dự án phải hoàn thành giải phóng mặt bằng ngay trong năm 2020 để kịp tiến độ đầu tư.

Theo ông Mạnh, trên địa bàn TP Móng Cái có gần 24km cao tốc chạy qua, có 314 hộ dân nằm trong diện giải tỏa để thực hiện dự án. Nhiều hộ dân có hàng ha đất trong diện giải phóng mặt bằng nên Ban Dân vận phải lập nhiều tổ công tác để vận động từng hộ dân, từng ngõ phố. Sau vận động hầu hết người dân hiểu, tin tưởng và ủng hộ xây dựng cao tốc.

Trưởng Ban dân vận TP Móng Cái, cho biết dù con đường chưa thành hình hài gì, mới chỉ xong khâu giải phóng mặt bằng, nhưng đã có nhiều “sếu đầu đàn” trong nước đã tìm tới nghiên cứu, thực hiện dự án đầu tư quy mô lớn.

Ví dụ Tập đoàn Sungroup triển khai tổ hợp dự án Nam sông Lục Lầm 200ha, sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Tập đoàn Amata triển khai dự án 5.000 ha gần cụm cảng Vạn Ninh, T&T đầu tư dự án nghỉ dưỡng 500 ha tại biển Trà Cổ. Các tập đoàn khác như Vingroup, FLC, Ecoland, Vietjet, Bến Thành, Bình Minh… cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào TP Móng Cái.

Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 19.
Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 20.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại lễ khởi công dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (tháng 4-2019) đã nhấn mạnh, tuyến cao tốc này sẽ tạo động lực phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ninh. Đồng thời, góp phần tạo hành lang giao thông quan trọng từ Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và Quảng Ninh.

Đặc biệt, Phó thủ tướng cũng cho rằng tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái khi hoàn thành (dự kiến cuối năm 2021) sẽ không chỉ tạo động lực phát triển trong khu vực và các tỉnh phía Bắc, mà còn giúp hình thành hành lang giao thông vận chuyển hàng hóa, sản xuất, dịch vụ, xuất nhập khẩu và lưu thông của các địa phương trong vùng và cả nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy hội nhập và phát triển, tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh cho vùng Đông Bắc.

Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 21.

Quảng Ninh có 3 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu, gồm: Móng Cái (TP Móng Cái), Hoành Mô – Đồng Văn (huyện Bình Liêu), Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà). Các KKT cửa khẩu được thành lập cùng với nhiều ưu đãi dành cho các nhà đầu tư nhằm hút dòng vốn tư nhân để phát triển kinh tế các địa phương vùng biên, nâng cao đời sống của người dân, đồng thời củng cố vững chắc hơn về mặt quốc phòng, an ninh.

Theo Ban Quản lý KKT Quảng Ninh, dù thành lập sau (năm 2012), nhưng KKT cửa khẩu Móng Cái phát triển rất mạnh mẽ. Đóng góp của KKT cửa khẩu này trong thu hút FDI của TP Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung rất tích cực, hiệu quả. Đến nay, KKT cửa khẩu Móng Cái đã thu hút 22 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 650 triệu USD.

Ông Đỗ Viết Mạnh – trưởng Ban dân vận, chủ tịch MTTQ TP Móng Cái – cho biết kể từ khi Quảng Ninh có kế hoạch triển khai đoạn tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, TP Móng Cái cũng nhanh chóng trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn trong nước như Vingroup, Sun Group, FLC, EcoLand, T&T…

Cũng theo ông Đỗ Viết Mạnh, việc thông tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái kết hợp với tuyến đường ven biển phía đông sẽ kết nối hàng loạt dự án trọng điểm trên địa bàn. TP.Móng Cái đang lên kế hoạch đầu tư các tuyến đường kết nối với dự án cụm cảng nước sâu Vạn Ninh, các dự án nghỉ dưỡng ven biển tại bãi biển Trà Cổ và các KKT, KCN trên địa bàn. Cụm cảng Vạn Ninh được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế của tỉnh Quảng Ninh với nước ban Trung Quốc, trong tương lai đây cũng là cửa ngõ giao thương của ASEAN với Trung Quốc.

“Từ khi có tuyến cao tốc này cả TP Móng Cái như một đại công trường, với sự tăng trưởng mạnh mẽ về công nghiệp, đô thị, tỉnh Quảng Ninh đang lên kế hoạch nâng cấp TP Móng Cái thành đô thị loại 1 trong những năm tới” – ông Mạnh chia sẻ thêm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, bí thư Huyện ủy huyện Đầm Hà cũng cho biết đã có các nhà đầu tư lớn đã và sẽ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa bàn huyện này. Gần nhất, Tập đoàn TH True Milk đã đến làm việc để tính toán đầu tư dự án nuôi bò, sản xuất chế biến sữa bò quy mô lớn tại huyện này.

Cả bà Hà và ông Mạnh đều thừa nhận: đầu tư hạ tầng, đặc biệt là giao thông là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành quả của KKT cửa khẩu Móng Cái trong thời gian qua.

Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 24.

Theo bí thư Huyện ủy huyện Đầm Hà, khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh gồm 5 huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà và TP Móng Cái thì Móng Cái đã, đang là nơi phát triển mạnh nhất và là một trong những địa phương đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Bốn huyện còn lại vẫn nằm trong nhóm chưa tạo được sức bật về kinh tế, tỉ lệ hộ nghèo còn cao.

Vì vậy, việc triển khai đoạn tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và khi hoàn thành sẽ giúp 3 KKT cửa khẩu có sự phát triển vượt bậc, tạo sức mạnh lan tỏa và là động lực giúp khu vực miền Đông của Quảng Ninh tăng trưởng nhanh hơn, kéo gần khoảng cách về kinh tế – xã hội với các địa phương có tốc độ phát triển cao như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái…

Nắm và hiểu được tầm quan trọng của tuyến đường nên Đại hội Đảng bộ huyện Đầm Hà đã đề ra các chỉ tiêu cao hơn rất nhiều so với nhiệm kỳ trước, ví như việc phấn đấu thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng từ 2.500 USD/người như hiện nay lên 5.000 USD/người vào năm 2025. Hay như Đảng bộ huyện Tiên Yên cũng mạnh dạn đề ra chỉ tiêu cho nhiệm kỳ 2020 – 2025 với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15%/năm trở lên, tiến tới tái lập thị xã Tiên Yên trước năm 2027.

Đánh giá chung về vai trò của đoạn tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh -cho rằng khi tuyến cao tốc này hoàn thành, toàn bộ không gian phát triển sẽ tạo ra động lực mới, cơ hội phát triển mới cho các huyện miền Đông nói riêng, trong đó có các huyện Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà và toàn tỉnh Quảng Ninh, cũng như khu vực Đông Bắc.

Quảng Ninh - Vì một tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam - Ảnh 25.

Trả lời

Gọi tư vấn Ngay